Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan!
Với phương châm “Cô giáo là mẹ, trẻ là con, tất cả vì đàn con thân yêu”, Trường mẫu giáo Hoa Cúc 9 là nơi sẽ thoả mãn ở các con những nhu cầu phát triển tâm sinh lí của lứa tuổi mầm non (Từ 3- 6 tuổi) chuẩn bị tốt các kĩ năng cần thiết cho các con khi vào lớp 1.
Tiến hành song song với hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Trường mẫu giáo Hoa Cúc 9 luôn luôn chú trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ. Giúp trẻ phát triển ở 5 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm kĩ năng xã hội và thẩm mỹ. Dưới sự tổ chức hướng dẫn của đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, năng động, sáng tạo và yêu nghề, mến trẻ; các hình thức tổ chức trẻ đều được các giáo viên chú trọng xây dựng và tổ chức theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Cùng với việc luôn tạo môi trường học tập thân thiện, nhằm khuyến khích trẻ tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động thử nghiệm, khám phá, phát hiện và trải nghiệm. Từ đó, dần từng bước giúp trẻ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết góp phần quan trọng trong việc hình thành cơ bản nhân cách trẻ.
Căn cứ vào các mục tiêu phát triển của từng lĩnh vực mà giáo viên theo dõi ghi nhận đánh giá kết quả sự phát triển của trẻ theo từng độ tuổi.
I. Âm nhạc:
– Học hát thuộc lời, múa các động tác.
– Trẻ được vận động theo nhạc và nội dung bài hát một cách tự nhiên (mức độ khó trong các động tác được nâng dần lên theo các độ tuổi).
– Giúp trẻ cảm thụ giai điệu âm nhạc để hát, vận động và múa hay hơn, dẻo hơn, đẹp hơn. Trẻ được làm quen và thể hiện một số làn điệu dân ca các vùng miền.
– Giúp trẻ mạnh dạn tự tin trước đám đông, cách thức biểu diễn trên sân khấu.
– Trẻ phát triển tư duy tưởng tượng khi hát và múa hoặc nghe lời bài hát mới.
II. Thể dục:
Thông qua việc thực hiện các bài tập vận động: Bò; Trườn; Trèo; Đi dồn bước; Bật xa; Ném xa; Ném trúng đích; Chạy nhanh 10m …; Các trò chơi vận động. Nhằm giúp trẻ phát triển thể lực và nhiều giác quan. Đồng thời phát triển ở trẻ tố chất nhanh nhẹn khéo léo, sức bền, tinh thần tập thể… (kết hợp theo mức độ từ dễ đến khó tuỳ thuộc độ tuổi). Kết quả là sự vận động của trẻ trở lên hoàn toàn vững chãi, hoạt bát và nhanh nhẹn…
III. Khám phá khoa học, xã hội:
– Trẻ biết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, các đồ dùng trong gia đình, biết các bữa ăn và món ăn, giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm…
– Trẻ hiểu được thêm về môi trường xã hội (thông qua các chủ điểm Trường mầm non, nghề nghiệp, giao thông…) và môi trường tự nhiên (Thế giới động vật; Thế giới thực vật…). Qua đó trẻ có hành vi và thái độ ứng xử đúng với bản thân, với những thành viên trong gia đình, những người xung quanh. Biết thực hiện một số qui định trong cộng đồng, trường lớp mầm non, nơi công cộng, biết giữ gìn bảo vệ môi trường .
– Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, làm giàu vốn từ cho trẻ, giúp trẻ nói đủ câu và diễn đạt mạch lạc, đồng thời phát triển ở trẻ khả năng quan sát, chú ý, ghi nhớ có chủ định và tư duy logic.
IV. Làm quen với toán:
– Trẻ có kỹ năng so sánh, biết cách ghép đối tượng tương ứng để biết được nhóm đối tượng nhiều hơn, ít hơn.
– Trẻ nhận biết, gọi tên, phân biệt, so sánh thông qua tính chất các hình trong môn hình học, các khối hình học.
– Trẻ định hướng được trong không gian.
– Trẻ biết thực hiện phép đo.
– Trẻ đếm tốt và biết thêm bớt trong phạm vi 10, biết mặt số, viết số từ 1 đến10, tập hợp số đếm và có mở rộng theo khả năng nhận thức của trẻ.
Hoạt động tạo hình:
– Trẻ biết tô màu từ hình dễ đến hình khó theo mẫu hoặc tự chọn màu.
– Trẻ biết nặn hình, xé dán, cắt dán tranh.
– Trẻ biết kết hợp trí tưởng tượng và sử dụng đôi tay khéo léo và các dụng cụ vật liệu đa dạng, phối hợp màu sắc, hình dạng, đường nét để làm ra các sản phẩm phục vụ trong môn học hoặc trò chơi mà cô gợi ý.
– Biết vẽ theo mẫu, theo đề tài của cô giáo đưa và theo ý thích của bản thân trẻ.
– Giúp trẻ cảm nhận cái đẹp qua màu sắc, nét vẽ, nội dung, bố cục tranh…Trẻ biết yêu quý giữ gìn sản phẩm của mình, của bạn.
VI. Làm quen văn học và chữ viết:
– Trẻ hiểu nội dung giáo dục qua một số câu chuyện, bài thơ theo chủ điểm. Qua đó trẻ thêm yêu gia đình, bạn bè, thầy cô, những người xung quanh, các con vật và thiên nhiên xung quanh trẻ. Trẻ biết kể chuyện, đọc thơ, các bài đồng dao, ca dao diễn cảm, biết đóng kịch, biết kể chuyện sáng tạo…
– Trẻ nhận mặt chữ, phát âm đúng 29 chữ cái tiếng việt và cách ghép vần đơn giản (Áp dụng với mẫu giáo lơn).
– Trẻ biết 14 nét chữ cơ bản, biết cách cầm bút và tô đúng qui trình 29 chữ cái (Áp dụng với mẫu giáo lớn).
– Trẻ cảm nhận được âm của chữ trong từ.
VII. Tham gia các Lễ Hội và hoạt động đi dạo đi tham quan
Bên cạnh đó bằng việc tổ chức các hoạt động vui chơi, đi dạo đi tham quan và các Lễ Hội trong năm học (Sinh nhật Bé, Khai Giảng, Tết Trung Thu, 20/11, Noel, Tết Nguyên Đán, 8/3, Tổng kết năm học – vui Tết thiếu nhi 1/6). Nhà trường luôn tạo cơ hội cho các bé được giao lưu, được tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau từ đó các bé được lĩnh hội và trải nghiệm kiến thức, kĩ năng một cách nhẹ nhàng, thích thú và tự nguyện. Phát huy ở các bé tính chủ động, tích cực trong việc thể hiện, trải nghiệm cảm xúc của bản thân, mang lại cho các bé niềm vui, niềm tự hào về trường lớp, gia đình và quê hương. Qua đó trẻ nhận thấy được sự quan trọng của bản thân cũng như sự tôn trọng của người khác dành cho mình.
“Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”- Để bé luôn là niềm tự hào của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội.